Miền Nam Tục thờ rắn ở Việt Nam theo tỉnh thành

Đồng Nai

Ở Bến Gỗ, xã An Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai có một ngôi miếu nhỏ được nhân dân xây dựng để thờ thần rắn, theo tục thờ rắn của người Nam Bộ xưa, đây là ngôi miếu duy nhất ở Đồng Nai còn thờ rắn[25]. Ngôi miếu có tên là miếu bà Khoanh, chữ "Khoanh" không phải tên một người mà là một động tác khoanh tròn của một con rắn rất lớn. Ban đầu, miếu có tên là miếu rắn Bà Khoanh, vì thời khẩn khoang, người dân "kiêng cữ" từ "rắn" nên mới gọi miếu Bà Khoanh. Truyền thuyết kể rằng xưa kia có một con rắn cái to bằng bắp chân người lớn, đầu có mào đỏ chót hay về nằm khoanh tròn trên bờ sông. Nhân dân làng Bến Gỗ cho là điềm lành, có đấng thần linh về phù hộ mùa màng tươi tốt, bội thu nên xây một ngôi miếu bằng tre lá để thờ bà thần Rắn.

Sau này, dòng họ Mai ở xóm Chài (Bến Gỗ) đã phát tâm xây dựng và trùng tu ngôi miếu to đẹp hơn bằng gạch, đá, gỗ vào các năm 1930, 1954. Hằng năm, miếu Bà Khoanh cúng giỗ lớn vào rằm tháng 3 âm lịch, đặc biệt ở đây còn duy trì tục cúng thịt heo sống. Nhân dân Bến Gỗ vẫn còn truyền tụng nhau một câu chuyện về Ngày cúng lễ, vào nửa đêm họ thường nghe rất rõ tiếng nhạc ngựa và tiếng ngựa hí từ hướng sông Bến Gỗ chạy vọng dần dần lên ngôi miếu. Người ta tin rằng bà Rắn Khoanh ở dưới lòng sông Bến Gỗ cưỡi ngựa lên dự lễ cúng cùng nhân dân địa phương và để nhận vật phẩm cúng là thịt heo sống và tục cúng giỗ "bà" rắn vẫn được duy trì xuyên suốt thời gian từ xa xưa đến nay, sự tích về miếu bà rắn Khoanh được ghi trong cuốn "Thông chí xã An Hòa"[25]

Tây Nam Bộ

Hang mãng xà bên trong chùa Phước Điền, ở đây người ta thờ hai đôi rắn lớn dữ tợn, tương tuyền là đã xuất hiện ở đây

Với người dân miền Tây Nam Bộ, cùng với hổ, cá sấu thì rắn cũng là đối tượng phải dè chừng, đối phó và chinh phục. Ngày nay vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện, giai thoại về rắn. Người ta sợ rắn, muốn cầu thân với rắn và do thế, thờ rắn. Hình tượng con rắn trong văn hóa dân gian Tây Nam Bộ được thể hiện qua những câu ca lưu truyền từ rất lâu. Theo bước chân người mở cõi ở miệt đất này, hình tượng con rắn đã in đậm trong tâm thức của họ. Rắn đã trở thành một nét văn hoá trong đời sống của người bình dân Miền Tây[26].

Ở đồng bằng sông Cửu Long ngày nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về rắn. Người ta sợ rắn, muốn cầu thân với rắn và thờ rắn do đó kể chuyện về rắn. Tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình gọi là Đình Rắn, tại đây vẫn lưu truyền về đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành. Người dân Rạch Giá, Kiên Giang vẫn kể về đôi rắn thần ở đền Vĩnh Hòa bằng một niềm tin và thái độ tôn kính. Ngoài ra ở vùng U Minh hạ đến nay vẫn lưu truyền hững huyền kỳ về con rắn hổ mây khổng lồ.

Trong tâm thức của người dân Rạch Giá, khi đôi rắn thần xuất hiện cũng là lúc Ngài báo cho bà con trúng mùa. Hay trong truyền thuyết về Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười cũng nói đến đạo binh rắn giúp vị anh hùng đánh giặc Pháp. Cũng như nhiều làng ở tỉnh Long An thờ trăn rắn, một đối tượng gây hiểm hoạ cho con người khi khai phá, rừng cây đầm lầy, tục thờ cá đao cũng có ở nhiều nơi Nam Bộ, loại cá có ngạnh sắc như dao, gây thương tích cho con người, nếu nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến tử vong

Văn hóa của khu vực Tây Nam Bộ khi các câu chuyện của nhân dân địa liên quan đến hai lớp tín ngưỡng là Tín ngưỡng thờ Hổ và tín ngưỡng thờ Rắn. Cơ sở của tín ngưỡng này gắn với buổi ban đầu đi mở đất, mở cõi của những cư dân người Việt đầu tiên trên vùng đất này điều này phản ánh cụ thể ở Đình Rắn, xuất hiện lớp tín ngưỡng đầu tiên là thờ thần tự nhiên (Cọp và Rắn) do các cư dân đến khai phá tạo nên. Hổ, rắn, cá sấu trở thành những đối tượng mà họ vừa cầu thân, thờ cúng vừa đấu tranh, chinh phục để tồn tại.

Nếu như hổ gợi nhắc về vị thần núi, chúa sơn lâm thì hình tượng rắn lại gợi nhắc về vị thủy thần là hai vị thần quan trọng bậc nhất trong thần điện của người Việt. Cặp biểu tượng Núi-Nước (Sơn-Thủy), Âm-Dương lại được tái hiện qua hai hình tượng Hổ-Rắn. Việc thờ hổ phản ánh ký ức kinh hoàng về sự tác oai tác quái của hổ đối với đời sống thì tính chất hiền của đôi rắn thần không hại ai bao giờ là sự khúc xạ của hình ảnh những con sông ngòi, kênh rạch Nam bộ vốn hiền hòa, thường xuyên bồi đắp phù sa cho những cánh đồng thẳng cánh cò bay, mang lại nguồn lợi thủy sản cho cuộc sống ấm no của người dân (khác với hình ảnh những con sông và mùa lũ hung hãn như ở miền Bắc và miền Trung)[27].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tục thờ rắn ở Việt Nam theo tỉnh thành http://vtc.vn/nhung-chuyen-dung-toc-gay-quanh-ngoi... http://vtc.vn/bi-an-ran-khong-lo-o-quang-ninh-ba-l... http://vtc.vn/phong-su-kham-pha/di-tim-cha-de-cua-... http://vtc.vn/phong-su-kham-pha/chiem-bai-ran-khon... http://vtc.vn/phong-su-kham-pha/giai-ma-chuyen-chu... http://vtc.vn/ran-khong-lo-giu-kho-bau-trong-hang-... https://web.archive.org/web/20170709062540/http://... https://web.archive.org/web/20190228065730/http://... https://web.archive.org/web/20170703170148/http://... https://web.archive.org/web/20170608051457/http://...